Những điều cần biết về lễ hội Kate

Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà cũng như tạ ơn các vị thần đã có công dẫn thủy nhập điền, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày đầu tháng Bảy của người Chăm, bao gồm Lễ rước y trang, Lễ chính trên đền tháp, Lễ làng sau đó diễn ra phần hội sôi động nhộn nhịp, đó là một dòng chảy quy mô từ nơi cao ở đền tháp đến làng và sau đó ở mỗi hộ gia đình. Vì thế, sự nô nức, sự đặc sắc của lễ hội đã thu hút sự chú ý và tham dự của khách du lịch.

Nếu Ramưwan là lễ lớn của người Chăm theo tôn giáo Bà ni thì Katê là lễ hội của người Chăm Bà la môn. Trước năm 1945 Lễ hội Kate tổ chức chủ yếu ở Tháp Bà Nha Trang, do đường xá xa xôi hiểm trở vì chiến tranh nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, cộng đồng Chăm Bà la Môn ở Phan Rang phải đi xe ngựa 3 ngày 3 đêm mới đến được Tháp Bà, hành trình gian khó này càng tôn rõ thêm tinh thần tôn kính của người dân Chăm với lễ hội và các vị thần linh. Sau này chiến tranh diễn ra ác liệt hơn nên việc đi lại trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, năm 1954, cộng đồng Chăm Bà La Môn mới xây thêm  đền Po Inư Nưgar ở palei Hamu Tanran (làng Hữu Đức bây giờ) và thỉnh Bà về thờ cúng. Chính từ đây mà lễ hội Kate sau này tập trung các nghi thức lớn chủ ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, đúng 13 giờ ngày đầu tiên của lễ hội, đoàn người bao gồm  các già làng, chức sắc cùng đông đảo bà con người Chăm và người Raglai rước y trang vị thần từ xã miền núi Phước Hà đưa về làng.

Khi rước y trang về đến làng, bà con người Chăm và Raglai cùng nhau múa hát, tổ chức các hoạt động thể thao vui tươi, sôi nổi. Theo phong tục, sau lễ hội Katê, y trang của các vị thần sẽ được người Chăm giao lại cho người Raglai cất giữ để chờ cho mùa lễ hội năm sau. Người Chăm có câu “Chăm saai, Raglai aday” tức là Chăm anh hay chị, người Raglai là em và thường thường theo chế độ mẫu hệ thì có tục cưới chồng, con út thừa kế tài sản và phụ trách về vấn đề cúng tổ tiên. Xuất phát từ ý nghĩa đó, tất cả các đền tháp Chăm từ y trang, trang phục của vua chúa Chăm do người Raglai giữ hết. Ví dụ người Raglai ở Tà Dương, thì lưu giữ trang phục Pôklong Girai và người raglai ở làng Kuh Nhút thì giữ y trang của Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức.

Qua ngày thứ hai của lễ hội, đoàn người Chăm và Raglai mới tổ chức rước y trang lên tháp Pô Klong Girai và tháp Po Rome. Các bộ lễ phục được đặt trên kiệu, có lộng che hai bên và đoàn thiếu nữ trong trang phục áo dài Chăm rộn ràng, vui vẻ đi sau múa quạt. Đoàn người Raglai múa đánh mã la, thổi kèn bầu theo sau.Các chức sắc, sư cả tấu trình lên với thần linh về việc tổ chức lễ hội, sau đó thực hiện nghi lễ đầu tiên là té nước lên bức phù điêu thần Shiva trên cửa tháp. Những giọt nước rơi xuống từ phù điêu được người dân hứng lấy, xoa lên đầu, mặt, cả thân thể cầu mong được mạnh khỏe, may mắn.

Sau đó là các nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần và lễ thay y phục. Bà Pajaw khấn vái cầu bình an; thầy Po Dhya dâng lễ vật và dâng cơm theo lời hát của thầy Kadhar. Kết thúc buổi lễ Katê trên đền tháp, người dân về làng để tổ chức lễ hội Katê ở làng và lễ cúng cơm trong gia đình.

Sau khi lễ Katê ở tháp kết thúc, thì không khí hội sôi nổi ở làng Chăm. Nếu như Katê ở đền tháp chủ yếu về phần lễ, thì Katê ở làng phần lễ đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ thể dục thể thao…do mỗi làng tổ chức trong không khí tươi vui của mùa lễ hội.

CHAM.VN
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • Generic placeholder image
    Lễ hội Ramưwan của người Chăm
    Những nghi lễ quan trọng mà các tín đồ người Chăm Bà Ni đều tiến hành vào tháng Ramưwan là đi tảo mộ, dâng cơm cho tổ tiên, nghi lễ tẩy thể và nghi lễ chay tịnh diễn ra tại các thánh đường Hồi giáo (Sang Magik). Nghi lễ tảo mộ Vào tháng Ramưwan, các gia đình người Chăm Bà…
  • Generic placeholder image
    VĂN HOÁ LÚA NƯỚC CỦA  NGƯỜI CHĂM
    Người Chăm thường sinh sống tập trung trong làng Chăm, mỗi làng Chăm có khoảng từ 300-500 hộ gia đình cùng chung tôn giáo, luật tục. Suốt mấy ngàn năm văn hiến, họ nổi tiếng với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, đóng…