VĂN HOÁ LÚA NƯỚC CỦA  NGƯỜI CHĂM

Người Chăm thường sinh sống tập trung trong làng Chăm, mỗi làng Chăm có khoảng từ 300-500 hộ gia đình cùng chung tôn giáo, luật tục. Suốt mấy ngàn năm văn hiến, họ nổi tiếng với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, đóng thuyền, điêu khắc… Ngoài ra, thế mạnh về kinh tế của họ còn có nghề đi biển và nghề trồng lúa nước, hai ngành nghề xuất hiện từ lúc có người Chăm và đất nước Chăm. Cho đến ngày nay thì chỉ còn lại nghề canh tác lúa nước là ngành trọng yếu.

Việc trồng trọt tạo ra lương thực nuôi sống con người nên được người Chăm vô cùng tôn kính, trong cộng đồng có nhiều lễ hội liên quan đến nông nghiệp như Lễ dựng chòi cày là lễ mở đầu công việc đồng áng hàng năm của người Chăm. Trước khi khởi đầu công việc cày gieo người Chăm thường dựng lên một cái chòi nhỏ ở gần ruộng của mình để trú ngụ tránh mưa nắng và để dụng cụ lao động trong thời gian cày cấy. Lễ này được thực hiện trên thửa ruộng từng gia đình. Các vị thần linh được cầu cúng trong lễ này là các vị thần như thần trời, thần cha, thần mẹ, thần sông, thần thủy lợi và các vị khẩn hoang tiền hiền… Mục đích lễ này, họ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, công việc cày cấy được suông sẻ, mùa màng tốt tươi…

Theo chu trình phát triển của cây lúa nước thì còn có các lễ khác như: Lễ cúng ruộng lúc lúa đẻ nhánh (sau khi gieo hạt lúa xuống đồng được khoảng 1 tháng); Lễ cúng lúa làm đồng, người Chăm cúng lúc lúa đang dậy thì con gái. Họ quan niệm hồn lúa cũng như hồn người. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định và ảnh hưởng đến năng suất cây lúa; Lễ  thu hoạch lúa, thường diễn ra vào tháng 11 lịch Chăm (tháng 10 âm lịch). Khi cúng lễ, người Chăm phải chọn ngày tốt (ngày thứ tư hoặc thứ bảy) để xuống gặt lúa. Lễ này do ông Cai mương hoặc ông Cai đập cúng (ôn Binưk), Khi lễ cúng này kết thúc thì ông thầy cúng bước xuống ruộng, dùng lưỡi liềm cắt một bó lúa để khai lễ ngày gặt lúa. Cách 3 ngày sau ruộng lúa mới được thu hoạch. Bó lúa lễ được chủ ruộng đem về nhà để trên trần nhà đến mùa sau thì đem ra cúng; Lễ lúa mới lên sân

Lễ này nội dung tương tự như lễ cúng lúa làm đòng. Mục đích là lễ tạ ơn các vị thần thánh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho họ thóc lúa đầy bồ.

Năm nghi lễ nông nghiệp của người Chăm phản ảnh nhu cầu sinh trưởng của cây lúa (từ lúc cày gieo, lúa đẻ nhánh, lúa đơm đòng đến lúa chín). Thể hiện sự quan sát và học hỏi từ bà mẹ thiên nhiên trong từng chi tiết nhỏ của sự phát triển của các loại cây cối con cái của thần mẹ. Ngày nay, thì hệ thống lễ nghi nông nghiệp này đã biến mất, để lại một sự nhớ tiếc sâu đậm trong lòng các bô lão Chăm. Hy vọng sẽ đến một lúc thật gần ở thì tương lai, các thế hệ con cháu sẽ khôi phục lại nguyên vẹn các giá trị tôn kính thiêng liêng trong  các nghi lễ nông nghiệp của người Chăm vốn đã có từ hàng ngàn năm trước.

Link Tham khảo - https://gulpataom.wordpress.com/2012/06/19/cac-le-hoi-nguoi-cham-le-hoi-lien-quan-den-nong-nghiep/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • Generic placeholder image
    Lễ hội Ramưwan của người Chăm
    Những nghi lễ quan trọng mà các tín đồ người Chăm Bà Ni đều tiến hành vào tháng Ramưwan là đi tảo mộ, dâng cơm cho tổ tiên, nghi lễ tẩy thể và nghi lễ chay tịnh diễn ra tại các thánh đường Hồi giáo (Sang Magik). Nghi lễ tảo mộ Vào tháng Ramưwan, các gia đình người Chăm Bà…
  • Generic placeholder image
    Những điều cần biết về lễ hội Kate
    Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà cũng như tạ ơn các vị thần đã có công dẫn thủy nhập điền, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội…