Những nghi lễ quan trọng mà các tín đồ người Chăm Bà Ni đều tiến hành vào tháng Ramưwan là đi tảo mộ, dâng cơm cho tổ tiên, nghi lễ tẩy thể và nghi lễ chay tịnh diễn ra tại các thánh đường Hồi giáo (Sang Magik).
Nghi lễ tảo mộ
Vào tháng Ramưwan, các gia đình người Chăm Bà Ni tổ chức đi tảo mộ ở các nghĩa trang của dòng tộc. Người Chăm Bani quan niệm rằng nghi lễ này là một “lời mời” ông bà tổ tiên đến thăm nhà con cháu trong những ngày đầu tháng chay Ramuwan.
Trước ngày chính thức tảo mộ, họ đến làm công việc đầu tiên là làm sạch cỏ, vun cát cao lên thành từng dãy hàng mộ ngay thẳng sau một năm.
Chức sắc Po Acar cũng như những chàng trai học kinh Koran bắt đầu thực hiện nghi lễ, đổ nước thánh tẩy lên từng viên đá trên hàng mộ và ngồi trước hàng mộ đọc kinh cầu nguyện, thỉnh mời ông bà. Con cháu trong nhà khi đi tảo mộ đều ăn bận trang nghiêm, kính cẩn, người phụ nữ khi đi tảo mộ đều mặc áo dài truyền thống, quắn khăn Brăm trắng trên đầu, họ nằm lạy ông bà tổ tiên và khấn nguyện.
Điều đặc biệt, một số Gia đình có họ hàng xa hay khu mộ chôn cất ông bà trước khi họ dời làng tới nơi ở hiện tại, họ phải tảo mộ một vài ngày trước ngày chính, lịch được cố định sẵn để bà con cùng đồng thuận. Dù nghĩa trang có xa xôi, người Chăm vẫn cố gắng đi thăm viếng hết như là một nét văn hoá nhớ về nguồn cội trong tháng Ramuwan.
Nghi lễ cúng cơm tại gia
Trong mỗi gia đình người Chăm Bà Ni vào tháng Ramưwan đều có bố trí trên phản một chỗ thiêng liêng (tương tự không gian thờ của người Kinh), với ý niệm là nơi nghỉ ngơi cho tổ tiên. Trên đó có đặt cái gối, cơi trầu, trầm hương, ấm nước trà và lễ vật dâng cúng. Không gian thờ này chỉ được dựng lên vài 3 ngày đầu của tháng chay.
Ngoài ra, mỗi gia đình còn có một mâm lớn để dâng lên ông bà, nghi lễ này thú vị ở điểm, không có bày và cúng một lượt tất cả ông bà. Mà tham gia lễ có một chức sắc hoặc đàn ông được đọc kinh, mỗi bài kinh người phụ nữ trong nhà sẽ mời từng lượt ông bà, kính cẩn gọi tên. Các món ăn dâng lên cho mỗi tổ tiên gồm có hai phần lễ vật mâm chay và mâm mặn. Mâm chay: có chè, sôi, chuối, bánh tét và bánh sakaya; mâm mặn: có cơm canh, thịt gà luộc. Như thế, những đại gia đình nào có đông tổ tiên thì việc dâng cơm kéo dài rất nhiều thời gian. Lúc dâng cơm thì người phụ nữ, con cháu chấp tay lên đầu cầu nguyện tổ tiên về sum họp, xin tổ tiên hãy phù hộ cho gia đình luôn luôn bình an.
Có lẽ, nghi lễ được tách riêng từng ông - bà một lần nữa cho ta thấy người Bani họ luôn quý trọng và tôn thờ tổ tiên của mình như thế nào.
Nghi lễ tẩy thể
Sau một năm trước khi vào Thánh đường (Sang Magik). Tất cả các tín đồ người Chăm Bà Ni đều phải làm nghi thức tẩy thể để rủ bỏ những thứ ô uế, những điều khôn tinh khiết trong năm như một cách “tống cựu nghinh tân”.
Nghi thức tẩy thể do một người lớn tuổi thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Vào buổi chiều ngày thứ 3 tháng chay, thời điểm các chức sắc Po Acar vào Thánh đường, khi nghe một hồi trống báo hiệu các tín đồ đồng loạt làm nghi thức tẩy thể.
Cát lồi được pha với nước, lần lượt từng người một từ người cao tuổi đến em bé lấy nước rửa mặt 3 lần làm thanh sạch cơ thể. Khi hoàn thành nghi lễ này, họ mới được phép mang cơ thể tinh sạch mình đến Thánh đường.
Tháng Ramưwan của cộng đồng Chăm Bà Ni là một nét sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo khá thú vị. Trong Tháng chay tịnh, các chức sắc là đại diện cho cả làng để thực hành chay tịnh, lễ cầu nguyện được diễn ra vào mỗi buổi tối. Hơn nữa, tất cả tín đồ phải ý thức lời nói hành động phải thật “phải đạo". Có thể nói lễ hội Ramuwan và tháng chay tịnh không chỉ là điểm đặc trưng trong tôn giáo Bani, đây còn là một cách “giáo huấn" cho tín đồ thực hành những giá trị quý giá của đời sống.
CHAM.VN