Múa chăm

Hiểu về điệu Múa Chăm

Những điệu múa trong tiếng trống kèn rộn rã mùa lễ hội Kate, làm bao nhiêu người say đắm, được những chàng trai, cô gái biểu diễn và biểu diễn mang nét riêng của văn hoá Chăm. Trong phạm vi bài viết này, Cham.vn cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin sơ khởi về múa Chăm. Từ những điệu múa chỉ biểu diễn trong lễ tục trang nghiêm đến những điệu dân vũ phục vụ công chúng.

Hiểu về múa Chăm

Múa Chăm luôn bao gồm hai bộ phận rõ rệt, tương ứng với nội dung, tính chất và ý nghĩa khác nhau:

- Một là ca múa nhạc phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo trong các lễ tục.

- Hai là ca múa nhạc trong đời thường, chủ yếu đáp ứng nhu cầu giải trí trong các hoạt động cộng đồng hoặc biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật.

Như vậy, Người Chăm không sử dụng các bài hát lễ, điệu múa lễ, nhạc cụ trong các hoạt động văn nghệ giải trí đời thường và cũng không múa, hát tập thể, sử dụng các nhạc cụ thông thường ở những chốn linh thiêng.

Những điệu múa linh thiêng

Nói đến những điệu múa Chăm có tính chất linh thiêng, người ta thường nói ngay đến các điệu múa dâng thần, múa nghi lễ thường xuất hiện trong các lễ tục phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Chủ đề của các điệu múa thiêng thường gắn với việc tái hiện hình ảnh thần linh theo Saman giáo (lên đồng, múa bóng), nguyện cầu cuộc sống bình an, mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang... Như đã nêu, các điệu múa tín ngưỡng thường được biểu diễn trong lễ Raja, Puis, Rayak. Đây là những điệu múa linh thiêng, bắt buộc phải do những chức sắc như ông ka-ing, bà raja, pajau thực hiện. Cũng như thày maduen, kadhar, họ phải kiêng cữ trong đời sống và phải thực hiện các nghi thức thụ phong nếu muốn tham gia múa lễ trong các dịp raja của cộng đồng.

Thầy ka-ing thường thực hiện các điệu múa trong nghi lễ raja nagar và rija harei, khi thày maduen vỗ trống baranang, hát lễ, những điệu múa được phụ họa bởi một dàn nhạc gồm kèn saranai, một cặp trống ginang... Những điệu múa tái hiện hình ảnh của các vị thần, khi mà thày maduen hát đến vị thần nào, thày ka-ing múa tương ứng theo hình ảnh vị thần đó. Vì vậy, các vị thần có các điệu múa lễ với các đạo cụ khác nhau. Chẳng hạn, khi múa về thần Po Tang, Po Gahlau thì múa nhịp chân, sử dụng quạt hoặc khăn màu đỏ; khi múa về Po Riyak, Po Tang Ahoak thì múa chèo thuyền; múa về thần Haniim Par thì lúc đầu múa nhồn chân, sau đó múa đạp lửa, tức là đạp tắt đống lửa bên ngoài nhà lễ, nhằm xua đi những xấu xa, nắng hạn trong năm.

Bên cạnh thầy hát lễ, vỗ trống maduen, muk raja hay vũ sư cũng là một chức sắc dân gian, thường thực hiện các điệu múa trong lễ raja proang, raja dayep. Trong lễ raja proang, mở đầu là lễ pok raja (tôn chức vũ sư) cho bà raja, sau đó bà mới thực hiện các lễ múa mừng bằng các điệu múa hoàng tử, múa đội khây trầu, múa đánh đu... Bên cạnh bà raja, đội ngũ chức sắc dân gian thực hiện các điệu múa lễ còn có bà pajau (bà bóng) thường xuất hiện trong các lễ puis, payak cùng với các thày kadhar, trong những dịp này bà pajau chủ yếu thực hiện các điệu múa ngậm lửa, múa ru con, múa cho con ăn... Ngoài ra, bà pajau còn thực hiện điệu múa phồn thực với một người đàn ông trong lễ raja nagar, lễ cúng đền Po Ina Nagar Hamu Kút ở thôn Bỉnh Nghĩa (Ninh Thuận).

 

Rộn ràng điệu múa lễ hội

Lễ hội, lễ tục Chăm chứa đựng cả một kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc, trong đó múa là phần hồn không thể thiếu trong các lễ hội Chăm. Hầu như không có những lễ hội nào của người Chăm lại thiếu đi những điệu múa dân gian đặc sắc hòa với tiếng trống ginang và tiếng kèn saranai rộn ràng. Trong rất nhiều điệu múa dân gian, chúng ta có thể thấy có 3 phổ biến, được sử dụng rộng rãi.

Múa chim công (hay còn gọi là múa quạt)

Đạo cụ múa Biyen là những chiếc quạt, phụ nữ Chăm khéo léo cầm hai chiếc quạt khi như đôi cánh, khi như đôi chim Công. Sở dĩ, điệu múa được gọi tên và phỏng theo điệu bộ của loài Chim quý đẹp này, với người Chăm chim Công là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Điệu múa vậy mà mang tâm tư của vũ nữ, khi vui động tác nhanh, khi buồn quạt úp xuống nhẹ nhàng. Nét duyên dáng qua thân hình vũ nữ và đôi quạt, nghĩa tình dào dạt khi đôi quạt uốn lượn.

Múa đội nước

Nét sinh hoạt thường ngày được đưa vào nghệ thuật múa đó là múa đội nước, hình ảnh các cô gái Chăm uyển chuyển từng nhóm đội lu ra bến sông lấy nước.

Nếu đội chiếc vại đi đứng đã là điều khó khăn với nhiều người, nhưng những cô gái Chăm tự tin uyển chuyển theo điệu nhạc với cái vại đang đội trên đầu phải là điều rất hay và lạ. Nếu nóng lòng, không tĩnh tâm điều khiển từng cảm xúc đến cử chỉ, khó mà giữ thăng bằng. Điều thú vị là vậy, điệu múa được truyền lại biết bao đời, bài học truyền lại không chỉ riêng điệu múa, mà đó còn là một bài học về đạo đức mà cái vại bé nhỏ đó là giáo cụ để truyền đạt.

Múa khăn

Bên cạnh các điệu múa trên còn có điệu múa khăn với đạo cụ là chiếc khăn thổ cẩm, đa số màu trắng. Chiếc khăn là vật dụng không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của thiếu nữ Chăm, nên chiếc khăn được sử dụng trong những điệu múa không phải là điều lạ.

Một góc độ khác, cả nam và nữ đều có điệu múa riêng mình với chiếc khăn này. Nếu các điệu múa của nữ nhẹ nhàng, thanh thoát thì điệu múa của nam thể hiện sự mạnh mẽ, vọng trọng của đấng nam nhi trượng phu.

Nghệ thuật múa của người Chăm không đơn thuần phục vụ nhu cầu giải trí cho tha nhân, nó còn là sự nối kết thiêng liêng của con người và thần linh. Điệu múa còn là ước nguyện với đấng siêu nhiên cho mưa thuận gió hoà, tiếng ca tiếng đàn và điệu múa vẫn còn mãi với người Chăm trên đất thiêng sông núi mãi về sau.

CHAM.VN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • Generic placeholder image
    Nghệ thuật chăm
    Âm nhạc Chăm - Linh hồn của Dân tộc Chăm Nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống của người Chăm không chỉ được phục vụ, trình diễn trong lễ hội truyền thống, mà còn được giới thiệu, biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật, sóng phát thanh, đài truyền hình, hội diễn, hội thao… Như vậy, ngoài các tính…
  • Generic placeholder image
    Truyện cổ chăm
    Thỏ và Rùa chạy thi         Thỏ thường đến uống nước tại một cái ao bên bìa rừng. Ngày nào con thỏ cũng gặp con ốc bám vào tảng đá cạnh bờ ao. Một lần nọ, thỏ hỏi ốc: Mày làm gì ở đây hở ốc. Ốc chưa vội trả lời ngay mà hỏi lại: Anh thỏ…