Nghệ thuật chăm

Âm nhạc Chăm - Linh hồn của Dân tộc Chăm

Nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống của người Chăm không chỉ được phục vụ, trình diễn trong lễ hội truyền thống, mà còn được giới thiệu, biểu diễn trên các sân khấu nghệ thuật, sóng phát thanh, đài truyền hình, hội diễn, hội thao… Như vậy, ngoài các tính chất thuộc về âm nhạc như: ngũ âm, nhạc cụ đặc trưng, cách xướng âm,... Điều gì làm chúng ta nhạy bén nhận ra đây là âm nhạc của người Chăm?

Hiểu về âm nhạc dân gian của người Chăm

Người Chăm đã sáng tạo ra rất nhiều bài hát, thường được sử dụng trong các dịp nghi lễ, hội hè của cộng đồng. Có thể tạm chia dân ca Chăm là bốn loại chính: Các bài hát tụng ca, thường được hát trong các lễ tục, để kể tiểu sử và ca ngợi công trạng của các vị thần; hát giao duyên giữ nam và nữ với nội dung diễn tả tình yêu đôi lứa, đa số kể những khó khăn của tình yêu khác tôn giáo; hát vãi chài, miêu tả hoạt động lao động sản xuất, thường được hát trong lễ raja proang; Hát ngâm truyện thơ, tương tự như ngâm thơ của người Việt hay hát kể sử thi của các dân tộc bản địa Trung phần.

                          

  Tranh Chế Kim Trung

Trong các lễ tục, âm nhạc Chăm, cụ thể là các bài khấn ca của thày kadhar, maduen trở thành lời ngợi ca thần linh, thể hiện sự tin phục, tưởng nhớ đối với những vị thần, đấng siêu nhiên có công khai mở trời đất, dạy dân dệt vải, nuôi tằm, lao động sản xuất, khai mương, đắp đập, lập điền... Theo thống kê của Sakaya, “người Chăm có khoảng 75 bài hát lễ về các vị thần trong lễ hội, thường được chia ra làm ba phần: phần mở đầu là hát thỉnh mời các thần; phần giữa là hát về tiểu sử, công trạng các vị thần; phần cuối hát tiễn các thần về thượng giới đồng thời cầu khấn, mong sự độ trì của các thần”

Các bài hát lễ này cũng được phân ra làm hai nhóm, với các đặc điểm khác nhau:

  • Các bài hát của thày Kadhar và bài hát của thày Maduen. Lối văn trong các bài hát lễ của thày kadhar là lối văn biền ngẫu, gieo vần lưng, mỗi câu đều đối về số chữ âm thanh, giai điệu bài hát trầm buồn, mang tính tự sự. Còn lối văn trong các bài do thày maduen hát lại theo thể tự do, gieo vần lưng, đi từng cặp đôi, có cặp câu 5-7 từ hoặc 6-9 trở lên, mang tính chất sôi động, giục giã .

  • Về chức năng, các bài hát lễ của thày kadhar thường vang lên trong những nghi lễ ở đền tháp như katé, chabun, lễ puis, payak...; trong khi đó các bài hát lễ của thày maduen thường được hát trong các dịp lễ raja như raja nagar, raja proang, raja harei, raja dayep.

Chính vì tính chất linh thiêng của các bài hát lễ, mà người chủ lễ, hát lễ trong các nghi lễ này phải là những vị có chức sắc, với hệ thống phẩm cấp nhất định, có trang phục riêng, phải kiêng cữ trong đời sống thường tục và thực hiện những nghi lễ khi muốn vào hệ thống hay lên cấp, lên chức.

Bên cạnh đó, các loại nhạc cụ cũng là yếu tố quan trọng trong cấu thành hệ thống nhạc lễ Chăm. Đàn rabap thường do thày kadhar sử dụng, trở thành vật tổ của hệ phái kadhar. Trống baranang thường do thày maduen vỗ trong các nghi lễ, nên trở thành vật tổ của thày maduen, xuất hiện trong gian thờ tổ ở các lễ raja (5). Như vậy, đàn rabap, trống baranang, không còn là những nhạc cụ đơn thuần, mà đã trở thành phương tiện giao kết với thần linh, âm thanh của nó đã đánh thức cả giới linh thiêng.

Đàn kanhi là một loại nhạc cụ chuyên được sử dụng trong đám tang của người Chăm Ahier, thường được gọi là Chăm Bàlamôn. Người ta thường lầm giữa đàn kanhi với đàn rabap, vì chúng có cấu tạo gần giống nhau, đều là đàn nhị. Nhưng trong thực tế, dây kéo của kanhi căng hơn, thường được các nghệ nhân tấu trong lễ tang, kể lại vòng đời người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi và được đầu thai ở kiếp khác. Bài tang ca được vang lên với giai điệu trầm buồn, u uất nhưng linh thiêng, đưa người nghe thoát ra khỏi cõi trần tục, đưa tiễn linh hồn người quá cố sang thế giới bên kia. Còn rabap do thày kadhar đàn trong các lễ hội.

                                                          

  Ảnh sưu tầm

Sự tiếp nối của âm nhạc Chăm

Người Chăm rất thích âm nhạc. Xưa kia, trong các lễ hội lớn nhỏ, trong cuộc cúng tế cũng như trong cuộc nhảy múa ở hậu cung, họ đều dùng nhạc hòa theo.

Về sau, nhạc sĩ Đàng Năng Quạ, Amư Nhân đã khai thác vốn âm nhạc cổ Champa, viết lên nhiều ca khúc đặc sắc mang âm điệu Chăm với nhiều chủ đề khác nhau của đời sống. Vẫn là những nhạc cụ truyền thống  gồm trống ginơng, trống baranưng, kèn xaranai, chiêng, lục lạc và đàn kanhi, giữ được những âm điệu đặc trưng, nhưng thổi làn gió mới về nội dung phù hợp với cuộc sống đương thời. Như vậy, chúng ta không chỉ có những bài hát dân ca, sự tiếp nối về mặt giai điệu đã cho người Chăm kho tàng âm nhạc rất lớn để tiếp nối.

Một ngày nào đó, rất xa, người nghe sẽ quên 1 bài hát ai hát, người sáng tạo nó, mà chỉ nhớ những nghệ phẩm bất hữu. Người Chăm còn nói tiếng Mẹ Đẻ nghĩa rằng họ còn hát và nhảy múa âm điệu của dân tộc mình, không ai thay thế họ được.

Thông tin tổng hợp từ nguồn: https://baomoi.com/chat-thieng-trong-nghe-thuat-am-nhac-cham/c/25348128.epi

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • Generic placeholder image
    Múa chăm
    Hiểu về điệu Múa Chăm Những điệu múa trong tiếng trống kèn rộn rã mùa lễ hội Kate, làm bao nhiêu người say đắm, được những chàng trai, cô gái biểu diễn và biểu diễn mang nét riêng của văn hoá Chăm. Trong phạm vi bài viết này, Cham.vn cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin sơ khởi…
  • Generic placeholder image
    Truyện cổ chăm
    Thỏ và Rùa chạy thi         Thỏ thường đến uống nước tại một cái ao bên bìa rừng. Ngày nào con thỏ cũng gặp con ốc bám vào tảng đá cạnh bờ ao. Một lần nọ, thỏ hỏi ốc: Mày làm gì ở đây hở ốc. Ốc chưa vội trả lời ngay mà hỏi lại: Anh thỏ…