Tháp Pô Rome hiện là tháp có niên đại gần nhất trong toàn bộ những tháp/ quần thể tháp dọc dải miền Trung. Toạ lạc tại làng Chăm Hậu Sanh, được xây dựng để thờ đức vua Po Rome trị vì vương quốc Champa trong khoảng gần 30 năm có nhiều biến loạn (1627-1651), đức vua tên thật là Jakathaot, là vị vua thông thái, người có nhiều công lao to lớn với sự phát triển của dân tộc Chăm như: Dung hòa mâu thuẫn giữa cộng đồng Chăm Bà La Môn và người Chăm Hồi Giáo thành tập tục Chăm AWAL AHIER thắt chặt tình đoàn kết, phát triển công trình thủy lợi như đập Cà Tiêu, đập Chavin, đập Maren, giữ mối bang giao tốt với các nước láng Đa đảo (Mã Lai, Java), Đại Việt… Với những công đức to lớn như vậy, ông được người Chăm tôn thành một vị thần linh.
Tháp Po Rome được xây dựng tương tự theo hệ thống tháp Po Klaung Girai, là một quần thể nhiều kiến trúc với nhau: Tháp Chính,tháp cổng và tháp lửa. Hiện tại chỉ còn lại tháp chính, có bình diện hình vuông, cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m . Tương tự các kiến trúc tháp Chăm, tháp chính có 1 cửa chính hướng Đông và 3 cửa giả 3 hướng còn lại, cửa giả nhô ra khỏi mặt tường khoảng 0.8m. Bên trong tháp thờ vua và hoàng hậu người Êđê, hai con bò thần, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Ngoài ra bên cạnh tháp còn có ngôi miếu thờ, tạm thời được xem là của hoàng hậu người Chăm Bàni, con gái của quốc vương Po Mâh Taha .
Năm 2010, tháp có đợt khai quật khảo cổ, quá trình này một lần nữa chứng minh đúng giả thiết thành lập ở những địa điểm khảo sát ở Bình Định và Phú yên. Giả thiết đó cho rằng: người Chăm xưa khi xâyh dựng tháp đều khảo sát rất kỹ lượng địa trắc, ngoài những quy luật về địa trắc, thông thường và lý tưởng nhất là dưới chân móng tháp có một khối đá tự nhiên lớn, hoặc nếu không họ phải tự tạo ra đế móng bằng đá. Kết quả khảo cổ ở tháp Porome là do nhân tạo.
Song với đó, trong quá trình khai quật phát hiện phiến đá màu xanh có khắc hoa văn và 5 phiên đá tương tự cùng nằm trong cái hố sâu 1,1m, các phiến đá xếp thẳng hàng theo chiều Bắc – Nam, Đông – Tây. Trong 6 phiến đá này gồm: 1 phiến đá bàn, 1 phiến đá có khắc hoa văn, hai phiến đá giống hình trụ trơn – giống với biểu tượng Linga, một phiến đá hình trái tim và 1 hình khôí, trơn. Khảong cách thêm 0.5m từ hố này, phát hiện hài cốt con người, chôn theo chiều Bắc – Nam, đầu hướng Bắc.Phần hài cốt này được lắp lại vì yếu tố. Nhận định đây là “Ghur” (ngôi mộ) của Cham Awal. Giả thuyết đặt ra đây ngôi mộ của người vợ Bàni của ông vua, và được giải thích rằng khoảng cách từ đền tháp đến khu mộ “Ghur” được thông qua bởi một đường rãnh nối với tháp chính với hố này, đường rãnh được lắp đầy bằng cát sông. Thông qua đường rãnh hoàng hậu sẽ hứng nước tấm của vị vua để tắm cho bản thân mình.
Đây là cụm tháp “sống” vì được công đồng Chăm cúng tế mỗi năm trong những lễ nghi tôn giáo. Cộng đồng người Chăm trong khu vực sẽ lui tới thờ cúng tại tháp Po Rome vào bốn dịp lễ quan trọng: Lễ cầu đạo diễn ra vào tháng 4 Chăm lịch, lễ hội Katé diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch, lễ cúng tưởng nhớ người mẹ Xứ sở được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm, lễ mở cửa tháp diễn ra vào tháng 11 Chăm lịch.
Tháp Po Rome là ngôi tháp cuối cùng của vương quốc Champa, ẩn chứa nhiều yếu tố bí ẩn. Những ngọn tháp khu vực Amaraviti (Quảng Nam ngày nay) hay Vijaya (Bình Định ngày nay) đều là những ngọn tháp mang đậm yếu tố Balamon giáo dù về mặt chi tiết khác nhau về phong cách nghệ thuật, tuy nhiên tháp Porome là ngọn tháp “sinh sau đẻ muộn”, với sự xuất hiện của “Ghur” của Cham Awal cho thấy phần nào sự thay đổi về tôn giáo và tổ chức xã hội của cố quốc lúc bấy giờ.
CHAM.VN