Cách thành phố Phan Rang 9km về hướng Tây Bắc, là địa điểm toạ lạc của một trong những ngọn tháp hùng vĩ, nguyên vẹn nhất dọc dải miền Trung, một trong những biểu tượng của văn hoá Chăm, đó là cụm tháp PoKlong Girai.
Tháp toạ trên đồi Trầu, phường Đô Vinh là một quần thể bao gồm 6 tháp nhưng đến bây giờ chỉ còn 3 tháp nguyên vẹn: Tháp chính (Kalan thờ chính, cao khoảng 21m), Tháp lửa (cao khoảng 9m), tháp cổng (đối diện tháp chính, cao khoảng 8,5m). Tháp được xây dựng vào thế kỉ XIII, thờ đức vua PoKlong Girai (1151 – 1205), người có công lớn đuổi quân Khmer xâm lược, dẫn thuỷ nhập điền cho dân tiểu quốc Panduranga (Phan Rang ngày nay), hệ thống công trình đập Nha Trinh và kênh đào vẫn còn được sử dụng cho đến ngày hôm nay.
Cụm tháp được xếp vào phong cách nghệ thuật muộn, nghĩa là sau niên đại phong cách nghệ thuật Bình Định. Phong cách nghệ thuật này hiện nay bao gồm các di tích như: tháp Porome, Tháp Yang Praung. Niên đại của phong cách này kéo dài từ TK XIII- XVII.
Bình diện của tháp chính hình vuông, mỗi cạnh gần 10m. Tháp có 1 cửa chính hướng về phía Đông và 3 cửa giả. Cửa vào Kalan chính được khắc phù điêu hình thần Shiva đang múa, hai bên cột đá khắc kín cổ tự, văn tích. Tháp được chia thành 3 phần: phần đế dựng bằng gạch chứ không bằng đá như một số tháp ở khu vực Quảng Nam và Bình Định; phần thân tồn lưu từ phong cách Bình Định có thể nhận thấy rõ thân tháp không được trang trí bằng hoa văn như dây hoa hay các chuỗi hoa văn như phong cách Mỹ sơn, thân tháp là những khối liên tục có rãnh kẻ nhỏ; Phần đỉnh được chia thành 3 tầng, mỗi tầng đều có cửa giả 4 hướng, sử dụng phù điêu biểu tượng của cánh chim Garuda thần thánh.
Kiến Trúc của Tháp đặc biệt tinh tế, sắc sảo bởi nghệ thuật kiến trúc toàn mỹ thể hiện tấm lòng tôn tín của người đương thời với các tiền nhân, trân trọng những điều xưa cũ làm nên giá trị hiện tại. Hầu hết các tháp đều được xây từ loại gạch nung đỏ sẫm, kết dính lại với nhau bằng chất keo đặc biệt làm từ thực vật, gọi là dầu rái.
Đây là một trong những tháp “sống”. Mỗi năm người Chăm tổ chức lễ hội trên tháp 3 lần là: Lễ Mở cửa tháp, lễ Kate thờ thần Cha (vào cuối táng 10) và lễ Cambun thờ thần Mẹ. trong những ngày này, cửa tháp được mở, người dân Chăm ở khu vực và từ các vùng lân cận khác nô nức đến làm lễ, cúng tế, cầu nguyện cho mùa màng bội thu, đời sống bình yên. Thời gian còn lại, nơi đây sẽ nhận nhiệm vụ đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm muốn tìm hiểu về văn hóa và kiến trúc Chăm Pa. Năm 1979, cụm tháp được thủ tướng chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đứng trước ngọn tháp hùng vĩ và uy nghiêm này, chắc chắn sẽ có lúc trong lòng bạn sẽ xuất hiện câu hỏi, điều kỳ diệu gì đã khiến ngọn tháp giữ vững nguyên vẹn công trình kiến trúc qua bao nhiêu biến thiên thăng trầm của thời gian? Để mang đến cho bạn cảm giác kính trọng, bâng khuâng, xao xuyến với những giá trị từng rất rực rỡ…
CHAM.VN